Thất bại của U23 Việt Nam dù gây khó chịu, nhưng cần thiết để chúng ta trở lại mặt đất và gạt bỏ những đòi hỏi vô độ để phát triển bền vững

0
2305

Không có phép màu, chỉ có thêm một thất bại. U23 Việt Nam đã bị loại khỏi VCK U23 châu Á sau những màn trình diễn không chút thuyết phục. Vậy lý do đằng sau nỗi thất vọng này là gì?

Với sai lầm không thể tha thứ, thủ môn Bùi Tiến Dũng dễ dàng bị biến thành vật tế thần cho thất bại của U23 Việt Nam. Ở một sân chơi tầm cỡ, trong một dịp trọng đại, thật khó tha thứ cho pha đấm bóng hụt quá ư nghiệp dư, tạo nên bước ngoặt trong trận đấu.

Và người ta cũng có thể đổ lỗi cho những cầu thủ còn lại. Bởi từ Quang Hải đến Đức Chinh hay Tấn Tài, không ai có thể tự hào với màn trình diễn của mình trong cả 3 trận đấu. Như HLV Park Hang-seo nói sau trận đấu với Jordan, các học trò của ông có vấn đề trong việc đưa ra các quyết định chính xác cuối cùng. Mà ông thì không thể can thiệp vào điều đó.

Nhưng nó không có nghĩa là chiến lược gia người Hàn Quốc không phải chịu trách nhiệm. Hình ảnh gục đầu bất động trên băng ghế chỉ đạo trong thất bại trước Triều Tiên lột tả sự bất lực của ông. Theo cách nói của một số người, thầy Park đã “hết phép”.

Thất bại của U23 Việt Nam dù gây khó chịu, nhưng cần thiết để chúng ta trở lại mặt đất và gạt bỏ những đòi hỏi vô độ để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Thủ môn Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm chết người, tạo nên bước ngoặt ở trận đấu với Triều Tiên.

Tuy nhiên, sau một đêm, giờ là lúc chúng ta bình tâm và suy xét mọi chuyện. Liệu U23 Việt Nam có đáng nhận những lời chỉ trích vì họ đã thất bại ở giải đấu châu Á?

Kỳ tích ở Thường Châu năm 2018 khiến chúng ta quên mất rằng sân chơi cấp châu lục vẫn là cái gì đó quá tầm. Nên nhớ “kỳ tích” hay “điều phi thường” là một kết quả vượt quá sự mong đợi, nó không đại diện cho mặt bằng của nền bóng đá và dĩ nhiên không có khả năng lặp đi lặp lại nhiều lần. Vậy tại sao lại đòi hỏi U23 phải chiến thắng bằng mọi giá?

Đành rằng bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ để có thể mơ những giấc mơ phi thường. Song thành quả không thể đến ngay lập tức và đội tuyển phải giành thắng lợi mọi lúc, mọi nơi họ đi qua.

Thất bại này dù gây khó chịu, nhưng cần thiết để chúng ta trở lại mặt đất, đồng thời các cầu thủ hiểu rằng họ vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn, tiếp tục hoàn thiện bản thân.

Thất bại của U23 Việt Nam dù gây khó chịu, nhưng cần thiết để chúng ta trở lại mặt đất và gạt bỏ những đòi hỏi vô độ để phát triển bền vững - Ảnh 2.

Các cầu thủ U23 Việt Nam buồn bã rời sân sau thất bại trước Triều Tiên.

Thêm nữa, phải nhận thức rõ, ngay cả những nền bóng đá tiên tiến cũng khó có thể sản sinh liên tiếp các thế hệ chiến thắng. Việt Nam may mắn có một lứa cầu thủ hoàn chỉnh, cả về kỹ năng lẫn tài năng, tạo nên 2 năm rực rỡ 2018 và 2019.

Lứa U23 hiện tại không có chất lượng tương tự, lại ít có cơ hội cọ xát bởi lứa trước luôn được tin dùng. Áp lực thành tích khiến ông Park thường xuyên phải gọi những trụ cột tuyển quốc gia về đá giải trẻ. Các nền bóng đá phát triển gần như không có tình trạng đó. Pháp không gọi Mbappe, ngôi sao trẻ sáng giá nhất thế giới hiện nay, về đá U20 World Cup 2017, để tăng cơ hội vô địch. Một khi đã lên tuyển làm trụ cột, họ không còn phải về đá giải trẻ.

Năm nay với Việt Nam đã khác. Ngay cả việc tìm ra đủ 11 cái tên đáng tin cậy để lấp đầy đội hình xuất phát cũng đã là một khó khăn, đừng nói đến việc có những nhân tố có khả năng thay đổi trận đấu trên băng ghế dự bị.

Có bột mới gột nên hồ. Khi không có trong tay những quân bài vừa tốt vừa đa dạng, HLV Park Hang-seo dĩ nhiên không thể hiện thực hóa các ý tưởng trên sân hoặc tạo ra các tùy biến chiến thuật hiệu quả, đối phó với việc bị đối phương nắm tẩy.

Thất bại của U23 Việt Nam dù gây khó chịu, nhưng cần thiết để chúng ta trở lại mặt đất và gạt bỏ những đòi hỏi vô độ để phát triển bền vững - Ảnh 3.

HLV Park Hang-seo gục đầu thất vọng trong khu kỹ thuật.

Trong bối cảnh đó, ông và các học trò vẫn phải gồng mình đáp ứng các đòi hỏi vô độ về thành tích. 2 năm qua, thầy Park đã dẫn dắt các đội tuyển chinh chiến ở 9 giải đấu liên tiếp, từ U23 châu Á 2018, Asiad 2018, AFF Cup 2018 đến Asian Cup 2019, King’s Cup, vòng loại U23 châu Á, vòng loại World Cup 2022, SEA Games 2019 và U23 châu Á 2020.

HLV Park Hang-seo vô tình trở thành nạn nhân của thành công mà chính ông tạo ra. Càng ngày, ông và đội tuyển càng chịu áp lực lớn về mặt thành tích, khiến bất kỳ mặt trận nào cũng quan trọng, cũng buộc phải chiến thắng.

Bản thân HLV Park Hang-seo không có giây phút nghỉ ngơi để khởi phát các ý tưởng sáng tạo. Và thời gian để ông tìm hiểu về đối thủ, khám phá ra những tài năng mới.

Thất bại của U23 Việt Nam dù gây khó chịu, nhưng cần thiết để chúng ta trở lại mặt đất và gạt bỏ những đòi hỏi vô độ để phát triển bền vững - Ảnh 4.

Quang Hải đã không tái hiện phong độ đỉnh cao như tại Thường Châu 2 năm trước.

Các học trò của ông cũng chẳng an nhàn hơn. Hết giải đấu này, họ phải lăn mình tới giải đấu khác, bên cạnh việc vẫn phải theo đuổi mục tiêu của CLB. Ví dụ như Quang Hải. Từ năm 2018 đến nay anh đã chơi số trận khổng lồ, lên đến 128 trận. Chưa hết, thường xuyên ra sân trong tình trạng chấn thương. Dễ hiểu tại sao Quang Hải tại Thái Lan không thể bùng nổ như Quang Hải ở Thường Châu.

2 năm vắt sức để tạo nên giai đoạn phát triển nóng là quá đủ. Đã đến lúc những người đứng đầu nền bóng đá Việt Nam cần phải bình tĩnh để xây dựng chiến lược phát triển dài hơi. Có những giải đấu cần tập trung tất cả các nguồn lực tốt nhất, nhưng cũng có những giải nên giảm bớt sự ưu tiên và dành không gian cho lứa trẻ. Cơn khát vàng SEA Games chấm dứt cũng báo hiệu thời điểm Việt Nam nên đoạn tuyệt với việc gọi tuyển thủ quá tuổi về đá SEA Games.

Với người hâm mộ, chúng ta hãy cứ yêu đội tuyển, khi chiến thắng cũng như lúc thất bại. Và chúng ta hãy cứ mơ, nhưng đừng bắt các cầu thủ phải gánh lấy giấc mơ ấy.

Link gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/u23-viet-nam-bi-loai-som-tai-thay-park-tai-cac-cau-thu-hay-tai-ai-2202017174929485.htm