NSND Thế Anh – tài tử hào hoa một thời của màn ảnh Việt

0
2360

Vẻ ngoài lãng tử, phong trần của tài tử vào vai ‘Trung úy Phương’, phim “Nổi gió”, từng là hình mẫu mơ ước của nữ giới Việt những năm 1960.

NSND Thế Anh nhập viện từ bốn tháng trước vì chứng tai biến. Bà Thu Hằng – vợ ông – cho biết chồng qua đời vào 5h30 sáng 29/9 tại Bệnh viện Thống nhất sau cơn nhồi máu cơ tim. Ông hưởng thọ 81 tuổi.

Đạo diễn Thanh Hiệp – học trò của Thế Anh – nói về nỗi mất mát: “Thầy đã về với suối vàng, hội ngộ cùng thầy Đoàn Dũng. Hai bậc anh tài của sân khấu, điện ảnh Việt Nam. Cuộc đời của thầy Thế Anh thật đáng sống: May mắn làm nghề mình đam mê, sau đó nổi tiếng trên sân khấu và được công chúng yêu mến”.

Bên cạnh Thanh Hiệp, nhiều bạn bè, đồng nghiệp gửi lời chia buồn và thương tiếc khi một “cây đại thụ” của màn ảnh và sân khấu Việt ra đi.

NSND Thế Anh.

NSND Thế Anh.

NSND Thế Anh sinh năm 1938 tại Hà Nội. Ông là con thứ ba trong một gia đình khá giả có mẹ là tiểu thương, bố theo nghiệp “đèn sách”. Năm Thế Anh ba tuổi, cha ông sang Pháp du học. Sống cùng mẹ, Thế Anh từ đó chưa từng có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng cha. Đến khi cha qua đời, hai cha con ông vẫn chưa được gặp mặt. Tuổi thơ thiếu thốn tình cảm của cha khiến Thế Anh luôn rưng rưng xúc động mỗi lần nhắc về cụ thân sinh.

Sau hai năm làm việc tại trường Trung cao quân sự, Thế Anh đỗ khoa Toán của Đại học Sư phạm. Bốn tháng sau, ông từ bỏ kế hoạch trở thành một nhà giáo để dự thi trường sân khấu nghệ thuật. Sau này, ông tốt nghiệp loại ưu, khóa diễn viên sân khấu đầu tiên của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Từ đây, ông có những vai diễn gây chú ý, để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Trước đó, Thế Anh từng tâm sự, diễn xuất đến với ông một cách tình cờ. Trong một lần chê cậu bạn học sinh cùng trường diễn dở, Thế Anh bị phạt bằng cách vào diễn thay. Năm đó, vở kịch do Thế Anh đóng chính giành huy chương Vàng.

Sở hữu năng khiếu diễn xuất cùng vẻ ngoài điển trai, Thế Anh ghi dấu ấn ở mảng điện ảnh. Vẻ ngoài nam tính, phong lưu giúp ông đảm nhận được nhiều dạng vai khác nhau: từ sinh viên, nhà giáo, kỹ sư cho đến tiểu đoàn trưởng pháo binh hay sĩ quan Mỹ ngụy…

Nói đến Thế Anh là nói đến những vai diễn gây dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Các vai diễn được yêu mến nhờ diễn xuất tài tình của ông. Nam nghệ sĩ chuyển biến tâm lý linh hoạt trong từng phân cảnh. Ông diễn chủ động, tự tin, xử lý hình thể tinh tế. Khả năng điều khiển nét mặt được khai thác triệt để. Ông diễn như không diễn. Thế Anh cũng được các đồng nghiệp đánh giá là người chăm chỉ, lao động nghệ thuật nghiêm túc.

Suốt sự nghiệp, Thế Anh đóng tổng cộng hơn 60 phim truyền hình, phim nhựa. Hình ảnh chàng Trung úy Phương yêu nước, tài hoa, làm say mê nhiều cô gái những năm 60 của thế kỷ trước trong Nổi gió; chàng sinh viên trẻ Ba Duy thư sinh, yếu đuối, không đủ sức giành lại người yêu từ tay người đàn ông ngoại kiều trong Mối tình đầu; tiểu đoàn trưởng pháo binh mạnh mẽ, can trường trong Em bé Hà Nội… khắc sâu trong tâm trí của nhiều khán giả.

NSND Thế Anh trong phim Nổi gió.

NSND Thế Anh trong phim Nổi gió.

‘Trung úy Phương’ một thời từng trở thành tiêu chuẩn để đánh giá vẻ đẹp của đàn ông Việt. Khán giả ấn tượng với nụ cười răng khểnh tỏa nắng của Thế Anh. Nhiều cô gái trẻ những năm 1960 của thế kỷ trước thậm chí còn dùng ảnh đen trắng của ‘Trung úy Phương’, dán lên tường để ngắm hàng ngày. Ngoài vai Trung úy Phương, vai Ba Duy trong Mối tình đầu năm 1977 cũng giúp Thế Anh giành giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1980.

Thế Anh ở tuổi ngoài 50 bắt đầu để ria mép. Gương mặt ông đậm nét phong trần, sương gió. Nam nghệ sĩ về sau vào lập nghiệp tại TP HCM. Ông tham gia một số phim như Gánh xiếc rong, Đêm hội Long Trì, Điện Biên Phủ. Thập niên 2000, ông tiếp tục góp mặt ở một số dự án truyền hình như Giao thời, Dốc tình, Hoa dã quỳ, Tiếng cuốc đêm khuya, Xin lỗi tình yêu và một số bộ phim nhựa như Người học trò đất Gia Định xưa.

Trên sân khấu kịch, NSND Thế Anh cũng có nhiều vai diễn đã trở thành thương hiệu như bác sĩ Hải trong Đôi mắt, Rubakov trong Chuông đồng hồ điện Kremlin, gián điệp Đức Stavinsky Nila trong Cô bé đánh trống trận… Sau nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984. 19 năm sau, ông được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân.

Thế Anh được mệnh danh là “hoàng tử” một thời của màn ảnh Việt. Vẻ ngoài phong trần, lãng tử của Thế Anh được các đạo diễn khai thác triệt để. Ông từng đóng cặp với nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, nổi tiếng nhất điện ảnh Việt. Nhưng theo lời Thế Anh, ông thích diễn với Lê Vân, Như Quỳnh, Phương Thanh bởi “các nữ nghệ sĩ này có lối thể hiện tính cách nhân vật lôi cuốn, tinh tế”.

NSND Thế Anh từng chia sẻ, những cảnh hôn, tình tứ trong những bộ phim ông thể hiện trước giờ đều là cảm xúc thật. Ông quan niệm, nghệ thuật là chân chính, không nên giả vờ trước ống kính. Diễn giả vờ, người xem sẽ không cảm được khát khao yêu mà diễn viên truyền tải.

Thế Anh trong phim Mối tình đầu.

Thế Anh trong phim Mối tình đầu.

Là phái mạnh, Thế Anh dành hàng giờ đồng hồ, chủ động làm tâm lý với bạn diễn nữ trước mỗi cảnh tình cảm. Theo ông, việc thấu hiểu và thông cảm giữ các diễn viên là “liều thuốc” tốt nhất giúp cả hai hợp tác ăn ý. Nói bản thân luôn có một “chiếc phanh thắng” để phân định rạch ròi giữa phim ảnh và đời tư nhưng Thế Anh thừa nhận, không ít lần, ông “say nắng” trước các bạn diễn nữ. Tuy nhiên, ông không để sử việc đi quá xa bởi “nếu không có cái phanh ấy, gia đình sẽ chẳng bao giờ êm ấm”.

Thế Anh khẳng định ông sẵn sàng xả thân vì vai diễn, trung hòa giữa cái tôi của nhân vật và cái tôi của mình. Bởi, ông quan niệm, nghệ thuật là nơi đón nhận những gì tinh túy nhất. Không thể chấp nhận những cảm hứng dễ dãi, tùy tiện.

Từng có tuổi trẻ sôi nổi, hoa vinh, nhìn lại cuộc đời, Thế Anh nói đằng sau những vai diễn, cuộc sống thực tế của ông khá giản đơn. Ông sống ung dung, không quá lo lắng về tiền bạc. Ông thong thả chờ đợi vai diễn mới. Ông tự nhận mình may mắn vì làm nghệ thuật với tất cả sự đam mê, cống hiến chứ không phải bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền như nhiều nghệ sĩ cùng thời.

Những ngày cuối đời, ông hiếm khi có dịp đi theo đoàn phim nên thường ngắm tranh, ảnh do chính tay mình sưu tầm cho khuây khỏa. Nhà ông là viện bảo tàng điện ảnh vì nam nghệ sĩ thích lưu trữ tranh ảnh khi còn bé. Dành cả đời cho các vai diễn chính – phụ, được hay chưa được, Thế Anh không hối tiếc điều gì. Với ông, được sống trong lòng khán giả cả nước qua nhiều thế hệ, điều này “tiền bạc không mua được”.

Theo Ione