Giá trị cơ bản của 1 nghệ sĩ giải trí – bên cạnh tài năng còn là trách nhiệm đối với công chúng của họ!

0
390

“Ở trên đỉnh cao, muốn không bị gió đẩy rơi thẳng xuống, người ta buộc phải xiềng xích chính mình. Tôi tin là cậu ca sĩ kia hiểu điều đó. Dù không theo dõi, nhưng gần 10 năm trước tôi đã thấy ở cậu ta cách ứng xử văn minh và thiện lương. Chỉ là, lâu lâu vẫn nên có người giúp cậu ta nhắc lại”.

Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của chị Nguyễn Huyền Dương.

Chắc thế hệ 7x-8x thì không thể nào không biết MV Everytime của Britney Spears?

Chắc không thể nào không nhớ, sau một câu chuyện drama kịch tính về tự giải thoát trong bồn tắm thì cảnh kết của MV là cô ca sĩ… trồi lên mặt nước và mỉm cười thanh thản?

Cái kết này một thời gian dài đã gây tranh cãi vì đầu voi đuôi chuột. Đối với nếp suy nghĩ của phần lớn mọi người, khi đã bày ra một bối cảnh to lớn và phức tạp, thì chỉ có cái chết mới đủ bi tráng, mới đủ kịch tính, mới đủ kinh điển.

Nhưng… ai thèm quan tâm chứ! Thứ mà ekip của Britney quan tâm lúc đó là đĩa hát của cô sẽ không bị các vị phụ huynh đốt trên đường như Avril Lavigne vì “dạy hư” con cái họ. Đó là thời kì mà cuộc nổi loạn của các ca sĩ thế hệ Millennials kéo theo phong trào nổi dậy đòi “kiểm duyệt” của các phụ huynh.

Lúc đó, là một đứa trẻ đang tuổi nổi loạn mười sáu mười bảy, tôi cũng thấy các vị phụ huynh hơi… xàm. Quậy hay không là chuyện của ca sĩ, học hay không là chuyện của con cái họ.

Nhưng từ khi nhận đồng lương đầu tiên, tôi không thể nghĩ như vậy nữa. Đạo đức cơ bản của người nhận tiền là đem lại dịch vụ hữu ích cho khách hàng của bạn. Dù bạn có là giáo sư. Dù bạn có là… nghệ sĩ.

Giá trị cơ bản của 1 nghệ sĩ giải trí - bên cạnh tài năng còn là trách nhiệm đối với công chúng của họ! - Ảnh 3.

Nhóm nghệ sĩ nào đó và những người bênh vực họ thường tuyên ngôn rằng giá của họ được quyết định bởi kinh tế thị trường; thứ họ bán ra là tài năng, không phải đời tư. Nhưng nếu họ thực sự có kiến thức và suy xét thuần tuý trên góc độ kinh tế, họ đã biết nghệ sĩ giải trí – đặc biệt là idol – được định giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế xét về độ hiếm của tài năng cùng trình độ với họ trên tổng dân số, về tiềm năng khai thác lâu dài, về giá trị đòn bẩy cho các ngành nghề kinh tế khác.

Thế thì, tại sao lại giá cao? Vì họ cần bỏ ra nhiều hơn tài năng.

Thứ họ bán, chưa bao giờ là lao động thuần tuý.

Thứ họ bán, là liều thuốc tinh thần mà công chúng cần.

Thứ họ bán, là sự kết nối những linh hồn rời rạc với xã hội.

Thứ họ bán, là một phần đời tư của họ, sống giữa sân khấu 6 mặt, chịu sự giám thị của khán giả.

Thứ họ bán, là trách nhiệm đối với công chúng của họ. Nếu công chúng ấy chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hành vi – dân sự lẫn hình sự, họ phải có trách nhiệm với phụ huynh của công chúng ấy nữa.

Thật hài hước khi công chúng của họ không phải là khán giả Shakespeare, không cùng tầm tuổi, cùng năng lực nhận thức, khả năng tự chủ, khả năng chi tiêu, mục đích thưởng thức, mà lại đem tiêu chuẩn Shakespeare ra nguỵ biện.

Họ có cân nhắc không, khi chọn đối tượng khách hàng mục tiêu của mình?

Những người làm sữa bột cho trẻ sơ sinh có cần quan tâm đến chuyện trẻ nhỏ bị tiêu chảy, bị nóng trong vì sữa của họ không, hay chỉ cần làm ra sữa ngon và giàu dinh dưỡng, còn lại thì đổ hết cho phụ huynh và thể chất của đứa trẻ?

Khi bạn không cầm tiền, bạn muốn làm gì với bản thân cũng được. Kể cả lựa chọn sự ra đi.

Khi bạn cầm tiền, ngay cả khi muốn tự kết thúc, bạn cũng phải cân nhắc đến chủ nợ của mình có sống nổi không với khoản vay chưa được trả này. Nếu bạn không thể sống để trả, ngay từ đầu đừng vay làm khổ người khác.

Ở trên đỉnh cao, muốn không bị gió đẩy rơi thẳng xuống, người ta buộc phải xiềng xích chính mình.

Tôi tin là cậu ca sĩ kia hiểu điều đó. Dù không theo dõi, nhưng gần 10 năm trước tôi đã thấy ở cậu ta cách ứng xử văn minh và thiện lương.

Chỉ là, lâu lâu vẫn nên có người giúp cậu ta nhắc lại.

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/gia-tri-co-ban-cua-1-nghe-si-giai-tri-ben-canh-tai-nang-con-la-trach-nhiem-doi-voi-cong-chung-cua-ho