Từ scandal Châu Đăng Khoa – Orange và LyLy: Quản trị ca sĩ ở showbiz Việt căng như dây đàn, dễ đứt như sợi chỉ?

0
2039

Không nên bàn đến chuyện đúng sai trong câu chuyện của Châu Đăng Khoa và Orange – Lyly, hay cả những câu chuyện khác vì thực hư thế nào chỉ có họ biết rõ với nhau nhất. Những gì mà công chúng, độc giả đọc và thấy được mỗi ngày chỉ là những điều mà người trong cuộc cho chúng ta thấy.

Cả tuần vừa qua, scandal ồn ào xoay quanh việc Orange và Lyly đồng loạt tố cáo công ty chủ quản mà Châu Đăng Khoa đứng đầu có những động thái không minh bạch về tài chính, dẫn đến việc hai cô nàng bức xúc và rời khỏi công ty. Không dừng lại ở đó, sự việc qua mỗi ngày lại có thêm những diễn biến mới, những người trong cuộc và có liên quan thi nhau lên tiếng, đơn cử như vụ MV “đã chết yểu” của Quỳnh Trần JP – bé Sa – Lyly trước đó cũng được khơi lại, tình tiết gia tăng và tạo nên những lời qua tiếng lại rất tiêu cực.

Những vụ việc “cơm không lành, canh không ngọt” như thế này giữa ca sĩ và quản lý hoặc với công ty chủ quản không mới lạ đến nỗi gây sốc, hay phải nói khá là “cơm bữa” trong showbiz nói chung chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nhưng gần như chỉ có ở Việt Nam nó mới trở thành những cuộc lùm xùm và đấu tố, tạo nên những làn sóng chỉ trích và chia rẽ mạnh mẽ.

Từ scandal Châu Đăng Khoa - Orange và LyLy: Quản trị ca sĩ ở showbiz Việt căng như dây đàn, dễ đứt như sợi chỉ? - Ảnh 2.

Trước vụ Orange – Lyly vs Châu Đăng Khoa thì chúng ta đã chứng kiến những mối duyên đứt theo kiểu “không mấy tốt đẹp” của Jack với công ty ICM, hay Erik với ST.319, Sơn Tùng M-TP với Văn Production của nhạc sĩ Huy Tuấn hay xa hơn là Tronie với nhóm 365daband của Ngô Thanh Vân. Tất nhiên đây không phải toàn bộ những “cuộc chia ly” trong showbiz mà là những vụ việc làm dậy sóng dư luận, các bên lần lượt tố nhau như một cuộc chiến online. Song song có cả những bản hợp đồng bị xé trong tình cảnh không vui vẻ mấy nhưng công chúng không biết, vì người trong cuộc đã âm thầm giải quyết.

Từ scandal Châu Đăng Khoa - Orange và LyLy: Quản trị ca sĩ ở showbiz Việt căng như dây đàn, dễ đứt như sợi chỉ? - Ảnh 3.

Không nên bàn đến chuyện đúng sai trong câu chuyện của Châu Đăng Khoa và Orange – Lyly, hay cả những câu chuyện khác vì thực hư thế nào chỉ có người trong cuộc biết rõ với nhau nhất. Những gì mà công chúng, độc giả chúng ta đọc thấy được mỗi ngày chỉ là những điều mà người trong cuộc cho chúng ta thấy, câu chuyện mỗi ngày một biến tướng và khiến chúng ta trở thành những khán giả chờ đợi theo dõi một bộ phim drama. Cái mà những người yêu nhạc nên thấy bận lòng chính là bộ máy vận hành của showbiz Việt đang có quá nhiều vấn đề, mà lớn nhất chính là vấn đề quản trị, điều mà một thế giới giải trí chuyên nghiệp rất cần phải có.

Hãy nhìn sang những vụ việc tương tự ở nước bạn. Là USUK hay Hàn Quốc đều có không ít những trường hợp đường ai nấy đi giữa ca sĩ và công ty chủ quản. Đôi khi cũng có ồn ào nhưng tính chất khác hẳn ở Việt Nam. Như gần đây khi Taylor Swift tâm sự trên Twitter về việc cô “mất trắng” những bài hát về tay công ty quản lý cũ khiến nhiều độc giả đứng về phía Taylor, đòi lại quyền lợi cho cô. Nhưng nên nhớ, Taylor không lên tiếng kiểu hằn học hay chỉ trích công ty kia vì sự thật những gì diễn ra đang theo đúng luật. Công ty kia dù có khiến công chúng tức giận thì cũng không cần phải hoàn trả lại bản quyền sở hữu các bài hát cho Taylor vì đơn giản, nó ra đời khi Taylor còn thuộc quyền quản lý của họ. Điều mà Taylor huy động được chỉ là sự thương cảm, tình thương từ khán giả để củng cố cho đoạn đường kế tiếp. Quan trọng nhất, không ai cảm thấy Taylor là một người vô ơn.

Điều mà Taylor huy động được chỉ là sự thương cảm, tình thương từ khán giả để củng cố cho đoạn đường kế tiếp. Quan trọng nhất, không ai cảm thấy Taylor là một người vô ơn.

Tại sao lại như thế? Tại sao Taylor hay các nghệ sĩ nước ngoài không lợi dụng fan hay sự đồng cảm từ công chúng để khiến công ty cũ phải lao đao? Vì giấy trắng mực đen và luật có những giá trị riêng của nó. Có thể trong những bản hợp đồng luôn tồn tại những sự mất cân bằng, thậm chí là những điều khoản mang tính bóc lột đối phương nhưng, một khi bạn đã đặt bút kí, đã bước chân vào cuộc chơi thì bạn hãy chơi đến cùng. Đến chừng bạn thấy nó không hợp với mình nữa và muốn thoát game, hãy thoát một cách tử tế và đúng luật. Đó còn là điều kiện để bạn giữ được giá trị của bản thân.

Trong những phim Hàn Quốc, bạn sẽ luôn thấy mỗi khi các nhân vật ca sĩ muốn thoát khỏi sự kiểm soát đến điên rồ của công ty quản lý, họ cũng tìm cách nhưng vẫn luôn nhớ rằng nếu mình đơn phương phá hợp đồng là sai, phải đền hàng đống tiền. Không rõ những hợp đồng ở showbiz Việt như nào mà cứ dăm ba tháng lại thấy một ca sĩ đăng đàn bảo mình bị chèn ép, bị lừa gạt rồi chấm dứt hợp đồng mà chẳng mảy may nghĩ đến khoản tiền ràng buộc trong hợp đồng.

Những gì độc giả đang đọc được chỉ là bề nổi của những vấn đề góc cạnh, các yếu tố cốt lõi và quan trọng thì chẳng mấy khi được công bố. Những bầu show, quản lý có kinh nghiệm trong showbiz thừa sức hiểu được bản chất của những vụ như thế này.

Nghĩ mà thấy buồn, mới hôm trước còn xưng anh em, ra sản phẩm cùng nhau mà hôm sau đã tố nhau thế này thế nọ. Đã thế lại còn là những bức ảnh chụp màn hình những đoạn chat, những thông tin mà chính đương sự thừa nhận là mình “tự đi hỏi đối tác” để đem ra làm vũ khí chống lại công ty chủ quản. Chỉ tính những chuyện này thôi, đã thấy sự thiếu chuyên nghiệp một cách trầm trọng.

Từ scandal Châu Đăng Khoa - Orange và LyLy: Quản trị ca sĩ ở showbiz Việt căng như dây đàn, dễ đứt như sợi chỉ? - Ảnh 5.

Ngay cả khi có sự không công bằng trong vụ việc đi nữa thì công chúng cũng không phải là người có thể giải quyết hay đòi lại công bằng cho bạn. Việc bạn mang những bí mật của công việc ra để làm áp lực, để kiếm sự đồng tình chỉ có thể kiếm được những giá trị ảo và ngắn hạn. Thực tế những người có kinh nghiệm trong nghề, có tầm nhìn đủ xa về giới này sẽ chỉ thấy bạn thật thiếu bình tĩnh và dễ bị kích động, không xem trọng đối tác, công ty và cả khán giả.

Trong bất kì một mô hình kinh tế nào, quản trị cũng quan trọng. Quản lý một dự án, một kho thông tin đã khó, quản trị nhân sự còn khó hơn, nhưng rất cần thiết. Quản trị ca sĩ cũng không ngoại lệ. Một người tài năng có thể nổi tiếng bằng nhiều cách nhưng nổi tiếng mãi được không thì là chuyện khác. Chắc chắn bản thân người đó không thể tự quản lý hoặc định hướng rồi triển khai con đường cho chính mình, huống hồ là những người trẻ và thiếu kinh nghiệm. Trong showbiz của thời đại 4.0, một sản phẩm cần rất nhiều điều kiện để thành hit. Không chỉ là bài hát, giọng hát hay MV mà còn phải có chiến lược, định hướng, các mối quan hệ và tiền.

Một ca sĩ có thể hát, có thể sáng tác, có thể bỏ tiền ra để làm nghề nhưng cái đầu đầy tính nghệ sĩ sẽ không bao giờ đủ lạnh để đưa ra đường hướng đúng đắn nhất cho sự phát triển đường dài. Đó là lý do mà những nhà sản xuất, những quản lý, những công ty chủ quản, những nhà chiến lược truyền thông tồn tại. Họ cùng với ca sĩ tạo nên mô hình hoạt động và ở showbiz ngoại quốc đó là một mô hình trọng yếu. Còn ở Việt Nam, dường như ca sĩ rất xem nhẹ việc quản trị.

Từ scandal Châu Đăng Khoa - Orange và LyLy: Quản trị ca sĩ ở showbiz Việt căng như dây đàn, dễ đứt như sợi chỉ? - Ảnh 6.

Những ngày đầu, hai bên cộng tác với nhau bằng những lời đường mật, những câu hứa hẹn mà ở đó ai cũng là số một. Đến chừng đã có thành công, tiếng tăm, có tiền thì con người ta cũng tinh vi hơn. Sẽ có những người cảm thấy con số mà mình nhận được là thiếu công bằng, là chèn ép và muốn đơn phương thay đổi mà không nghĩ đến những ràng buộc mà mình đã mang từ đầu. Bất công cũng được, hãy có trách nhiệm với những gì mà mình đã kí, đã hứa hẹn. Hoặc nếu muốn thay đổi hợp đồng, muốn xung đột thì hãy tự giải quyết cùng nhau, đừng bắt công chúng vào cuộc để phán xét. Khán giả không phải quan tòa hay người quyết định ai đúng ai sai. Hôm nay họ bênh bạn, cứu bạn ra khỏi sự chèn ép cũng chưa chắc ngày mai họ ủng hộ bạn vô điều kiện. Quan trọng nhất của một người ca sĩ vẫn là sản phẩm, hay xa hơn là một chiến lược mà không thể tạo nên bởi một cá nhân.

Nói đi cũng phải nói lại, không thể đổ hết tội lỗi mỗi khi ca sĩ muốn phá hợp đồng. Nếu ca sĩ trở thành người vô trách nhiệm hay thiếu chuyên nghiệp thì các công ty chủ quản ở Việt Nam cũng không ít những kẻ ma lanh. Những điều kiện mập mờ, những câu chót lưỡi đầu môi đầy ma mị thực chất chỉ là những cạm bẫy về lợi ích và đồng tiền. Cả hai bên đều nên có những thoả thuận thật kĩ lưỡng để hạn chế những khúc mắc về sau. Đừng vì tình cảm mà biến những hợp đồng trở thành các ràng buộc thiếu vững chắc, dễ dàng trở thành xung đột lợi ích.

Trong sự việc của Châu Đăng Khoa với Orange – Lyly, đọc những tin nhắn mà chính Orange hay Lyly đăng tải, bạn dễ dàng nhận ra được tâm tư mà anh ta đầu tư vào cho các sản phẩm của đàn em. Cái sai của Khoa có chăng là sự nóng nảy, cách vận hành của công ty mà anh đang là chủ tịch đang tồn tại những kẽ hở để phát sinh vấn đề.

Cái sai của Khoa có chăng là sự nóng nảy, cách vận hành của công ty mà anh đang là chủ tịch đang tồn tại những kẽ hở để phát sinh vấn đề.

Không biết được ở đằng sau Orange hay Lyly có những ai đang giật dây hay cố tình tạo lùm xùm, nhưng nếu xét theo lý và logic thì phía bất lợi đang là hai cô nàng. Hôm nay mọi việc vỡ lỡ, công chúng có được drama để xem nhưng điều buồn hơn là ngày mai chúng ta không còn những ca khúc hay ho mà Châu Đăng Khoa dành riêng cho Orange, showbiz thì lại sinh ra thêm những kẻ thù.

Rồi ai dám cam đoan con đường phía trước của Orange sẽ “khổ tận cam lai” khi mà vẫn còn rất nhiều những người muốn trục lợi, té nước theo mưa giăng những cái bẫy chờ sẵn. Và rồi chắc chắn những sự việc tương tự sẽ lại xảy ra, chừng đó có thể người trong cuộc đã đủ kinh nghiệm và đau thương để giải quyết trong im lặng. Nhưng chừng nào sự chuyên nghiệp và cái nhìn dành cho công tác quản trị ca sĩ ở showbiz Việt chưa được quan trọng hoá, thì sẽ vẫn còn những nhân tố mới rơi vào tình cảnh ồn ào không đáng có này.

Tạm kết, đây chỉ là một trong một vài những sự việc tương tự nhưng đã quá đủ mệt mỏi với những người theo dõi hoặc ở trong showbiz quá lâu. Một lần nữa cần nhấn mạnh, công chúng không có trách nhiệm cứu rỗi hay đòi lại công bằng cho ai cả. Bản thân nghệ sĩ và cả những người quản lý hãy có trách nhiệm với chính mình và đối phương. Đôi khi công bằng vẫn chỉ là một phần của quy luật, điều xây dựng nên sự vững chắc của ngành công nghiệp giải trí vẫn phải là sự chuyên nghiệp và chiến lược. Nếu thực sự chuyên nghiệp và hiểu được tầm quan trọng của quản trị, tự khắc mọi thứ sẽ diễn ra theo hướng công bằng.

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/gioi-tre/tu-scandal-chau-dang-khoa-orange-va-lyly-quan-tri-ca-si-o-showbiz-viet-cang-nhu-day-dan-de-dut-nhu-so-chi-220207313534273.htm