“Là đánh đổi chứ không phải cưỡng hiếp” và 3 lối suy nghĩ đổ lỗi nạn nhân phổ biến

0
1143

Vén màn câu chuyện nữ ca sĩ Lady Gaga bị cưỡng hiếp dẫn đến phá thai ở tuổi 19, người ta thấy một vấn đề mang tính hệ thống hơn, nghiêm trọng hơn không chỉ giới hạn bởi cá nhân: Nạn nhân vẫn bị đổ lỗi. Tại sao vậy?

Trong chương trình The Me You Can’t See, nữ ca sĩ Lady Gaga đã tiết lộ việc từng bị một nhà sản xuất âm nhạc liên tục cưỡng hiếp vào năm 19 tuổi dù đã chống cự. Sau đó cô còn bị bắt nhốt trong studio nhiều ngày liền cũng như việc có thai ngoài ý muốn. Lady Gaga đã phải phá thai, để lại những dư chấn tâm lý nặng nề cho cô sau này.

Bên cạnh đại đa số những khán giả bày tỏ sự cảm thông với Lady Gaga, người hâm mộ không giấu nổi sự phẫn nộ trước bình luận của một producer người Việt nói rằng “Cái này là đánh đổi không phải cưỡng hiếp”. Cách nói của người này hàm ý sự đồng thuận của nữ ca sĩ Lady Gaga và đây không phải là hiếp dâm. Khi đi sâu vào những lý do của vấn nạn đổ lỗi cho nạn nhân, người ta có thể thấy đây là một trong những cách đổ lỗi phổ biến.

Đây không phải lần đầu tiên, người ta thấy tư tưởng đổ lỗi cho nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục xuất hiện. Đổ lỗi cho nạn nhân xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân và đây là những lý do chính cho sự tồn tại đầy rẫy của vấn nạn này trên cả không gian mạng và cuộc sống thực.

1. “Thế giới công bằng”: Phụ nữ bị hiếp dâm chắc chắn phải làm gì sai?

Có một niềm tin phổ biến mang tên “Thế giới công bằng”. Chúng ta ít khi gọi tên lý thuyết này ra nhưng luôn nhắc về nó, rằng mọi thứ trên đời này đều công bằng, người tốt sẽ gặp chuyện tốt còn điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu bạn làm gì sai trái.

Tư duy trên không biết từ bao giờ đã găm sâu vào đầu mỗi người và ảnh hưởng tới cách chúng ta diễn giải mọi thứ xung quanh. Khi đọc tin về một vụ hiếp dâm, ban đầu chỉ một số ít sẽ nghĩ “chắc hẳn cô gái này có làm gì đó sai trái nên mới bị hiếp dâm”. Suy nghĩ trên có thể không xuất hiện ngay lập tức nhưng khi vụ việc càng lúc càng leo thang, niềm tin vào nạn nhân bắt đầu bị lung lay trước nhiều tình tiết của vụ việc và sự ảnh hưởng từ quan điểm lẫn nhau. Tư tưởng méo mó dưới trướng một thế giới công bằng được hình thành và họ bắt đầu nghĩ về việc nạn nhân phải chịu đựng tấn bi kịch ấy là xứng đáng với những gì đã gây ra.

Là đánh đổi chứ không phải cưỡng hiếp và 3 lối suy nghĩ đổ lỗi nạn nhân phổ biến - Ảnh 1.

2. Những định kiến giới

Nếu chúng ta tiếp nhận lý thuyết thế giới công bằng một cách vô thức thì những định kiến về hiếp dâm thường được lặp đi lặp lại qua lời kể, truyền miệng, truyền thông tạo ra những nếp hằn trong suy nghĩ dẫn đến đổ lỗi cho nạn nhân. Định kiến về hiếp dâm chịu ảnh hưởng nặng nề từ định kiến giới và cần đến những cách giải quyết mang tính hệ thống.

Một trong những định kiến phổ biến thường bị gán cho phụ nữ rằng cô ta sẽ nói dối về việc bị hiếp dâm để vượt qua cảm giác tội lỗi với việc quan hệ tình dục, để che đậy việc mang thai ngoài ý muốn khi không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hay gây sự chú ý. Phụ nữ cũng bị đổ lỗi khi không báo cáo về vụ việc hiếp dâm ngay lập tức. Những kẻ đổ lỗi mặc định rằng đã bị hiếp dâm thì phải báo cáo ngay lập tức. Tuy nhiên, phải đặt mình trong hoàn cảnh của các nạn nhân bị hiếp dâm hay xâm hại tình dục để hiểu rằng, xâm hại tình dục đi cùng nỗi sợ và sang chấn tâm lý sau đó để không phải ai cũng đủ tỉnh táo và can đảm lên tiếng. Việc tố cáo xâm hại tình dục – định kiến về hiếp dâm như một vòng lặp khi người bị xâm hại sợ những định kiến không dám tố cáo và việc họ không tố cáo ngay lập tức nối dài thêm định kiến “cô ta nói dối”.

Là đánh đổi chứ không phải cưỡng hiếp và 3 lối suy nghĩ đổ lỗi nạn nhân phổ biến - Ảnh 2.

Định kiến phổ biến tiếp theo đặt lên vai của nạn nhân bị hiếp dâm là suy nghĩ “cô ta ắt hẳn phải mong muốn điều đó thì mới…”. Bạn hoàn toàn có thể điền vào dấu ba chấm đó: Là ăn mặc hở hang, là say rượu, là đi xe về nhà một mình, là chấp nhận đi gặp một người lạ mặt hay hẹn hò với nam giới. Phụ nữ ăn mặc gợi cảm bị định kiến là cố tình quyến rũ đàn ông, không đoan chính, phụ nữ say rượu hay đi chơi với con trai mang định kiến không biết giữ mình, phụ nữ phải biết tự bảo vệ bản thân. Họ có “trách nhiệm” phải chống lại kẻ hiếp dâm – còn nếu không là họ đang “thích” điều đấy. Những suy nghĩ như vậy, đến bây giờ vẫn rất phổ biến.

Một trong những định kiến giới phổ biến đi cùng diễn ngôn hiếp dâm là những người phụ nữ luôn làm quá mọi chuyện lên. “Anh ta chỉ đụng chạm tí thôi mà” hay “chỉ là đùa thôi chứ có làm sao đâu?”, vì những câu đùa đó của một bộ phận nam giới mà không biết bao phụ nữ đã phải chịu đựng những tổn thương tinh thần rất lâu dài về sau.

Định kiến về hiếp dâm thứ tư tạo áp lực lên phụ nữ là lý lẽ “Đó không phải là hiếp dâm”. Đây cũng là cách mà anh producer người Việt nọ công kích nữ ca sĩ Lady Gaga trong bình luận của mình khi cho rằng đấy không phải là hiếp dâm mà là một sự đánh đổi. Đằng sau điều người ta gọi là “đánh đổi” ấy là những định kiến của ngành công nghiệp giải trí mà để nói về nó sẽ tốn rất nhiều giấy mực. Tuy nhiên, rất nhiều những lập luận đánh lận con đen sẽ bảo vệ những kẻ hiếp dâm cho rằng đấy không phải là xâm hại tình dục hay điều gì to tát cả. Họ gọi nó bằng nhiều cái tên – một vụ đổi chác, một vụ mua bán, một sự thỏa thuận ngầm, một trò đùa… Với nhiều người, hiếp dâm phải gắn với yếu tố bạo lực nên khi nạn nhân không bị tổn thương về chất thì không thể bị gọi là hiếp dâm. Tuy nhiên, ở cốt lõi của định nghĩa, hiếp dâm hay xâm hại tình dục là các hành vi tình dục không muốn.

Ngoài ra, nhiều người cũng mặc định rằng, việc đồng ý quan hệ tình dục trong các mối quan hệ có tính lâu dài (như quan hệ vợ chồng) là những đồng thuận mặc định – rằng người chồng có thể quan hệ với vợ bất cứ lúc nào mà không cần xin phép. Họ không coi đó là hiếp dâm mà chỉ là quan hệ tình dục vợ chồng bình thường. Tuy nhiên, không gọi tên nó là hiếp dâm không đồng nghĩa với việc đó là một hành vi đúng đắn hay chấp nhận được. Tình dục không mong muốn, dù diễn ra với người chồng hay với người vợ, đều có thể trở thành hành vi hiếp dâm.

Là đánh đổi chứ không phải cưỡng hiếp và 3 lối suy nghĩ đổ lỗi nạn nhân phổ biến - Ảnh 3.

Nhìn chung, khi phụ nữ càng bị đóng khung trong các định kiến giới truyền thống về cách hành xử trong cuộc sống, họ càng khó có thể thoát được vấn nạn đổ lỗi cho nạn nhân. Phụ nữ như một con rối dây, bị buộc bởi “tự biết giữ mình”, “đoan chính”, “thủ tiết”, “đừng đi chơi khuya”, “ai bảo tiếp xúc với nam giới”,

3. Tư tưởng mang tính hệ thống có lợi cho nam giới

Phải đồng ý rằng nam giới cũng là nạn nhân hiếp dâm và nhiều lý do ở trên cũng có thể áp dụng tương tự với nam giới. Đối tượng nam giới khi bị hiếp dâm cũng phải chịu rất nhiều định kiến, đôi khi còn hơn phụ nữ khi người ta vẫn gắn cho nam giới sự mạnh mẽ, thống trị. Tuy nhiên, vì số vụ xâm hại tình dục nữ giới luôn nhiều hơn nên chúng ta cũng thấy nạn nhân bị đổ lỗi phần đông là nữ giới.

Với lý do thứ ba này, nam giới ít khi gặp phải. Thuyết biện minh cho hệ thống đề cập tới việc con người thường có xu hướng bảo vệ và biện minh cho bản thân mình và nhóm xã hội mà mình thuộc về. Việc biện minh cho hệ thống sẽ tạo ra sự thiên vị trong “nhóm” – thường là các nhóm có địa vị cao hơn. Trong một hệ thống xã hội mà người ta vẫn coi là nam giới làm chủ, việc những người nam giới đổ lỗi cho nạn nhân bị hiếp dâm (phụ nữ) là một cách để biện minh cho hệ thống và bảo vệ lợi ích nhóm của họ. Việc đổ lỗi cho phụ nữ cũng đồng thời giảm nhẹ hành động của kẻ hiếp dâm như một nỗ lực thiên vị trong nhóm.

***

Đổ lỗi cho nạn nhân đã có từ hàng trăm năm nay với những nguyên nhân sâu xa đa tầng phức tạp. Ba lý do trên chỉ là những yếu tố chính dẫn đến việc nạn nhân của xâm hại tình dục tiếp tục là nạn nhân của đổ lỗi và những định kiến. Với trường hợp của Lady Gaga, cô có được sự yêu mến của hàng triệu fan hâm mộ trên thế giới nhưng chắc chắn còn rất nhiều cô gái trẻ khác, không ai biết nhiều về họ ngoài dòng title trên báo chí “bị hiếp dâm”.

Nói khó thì rất khó, nhưng sẽ luôn có cách để xóa bỏ những câu chuyện đổ lỗi cho nạn nhân. Cần một chút khoan dung, một chút bao dung và thấu hiểu để không ai trở thành nạn nhân “kép” của hiếp dâm và xâm hại tình dục.

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/la-danh-doi-chu-khong-phai-cuong-hiep-va-3-loi-suy-nghi-do-loi-nan-nhan-pho-bien