Khai thác văn hóa truyền thống liệu có phải là một công thức tạo hit mới?

0
2410

Loạt sản phẩm của dàn sao Vpop Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Chi Pu đã lồng ghép văn hóa Việt một cách vô cùng khéo léo, và đều trở thành những bản hit thực thụ.

Nhìn vào bức tranh âm nhạc Vpop trong những năm gần đây, không thể phủ nhận rằng khán giả ngày càng được thưởng thức những sản phẩm chất lượng, văn minh, đến từ những nghệ sĩ có tâm, có tầm cùng một e-kíp đầy nỗ lực. Với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, các trào lưu âm nhạc Âu – Mỹ, ngành giải trí Hoa ngữ cho đến làn sóng Hallyu với Kpop, Kdrama, thậm chí cả ngành giải trí Thái Lan,… đều được truyền bá rộng rãi và vô cùng dễ dàng, gần như không vấp phải bất cứ rào cản nào.

Các nghệ sĩ Việt dễ dàng tiếp thu những làn gió mới, sáng tạo nên những sản phẩm của riêng mình, tạo nên một bức tranh đa sắc của làng nhạc Việt. Chúng ta không thể phủ nhận được những mặt tích cực của những trào lưu âm nhạc thế giới mang đến cho chính nghệ sĩ Việt, chính những yếu tố ấy đã giúp cho ngành giải trí nước nhà có được bộ mặt hiện đại, không bị lạc hậu với bước tiến chung của nền âm nhạc quốc tế.

Nhìn vào âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Chi Pu...: Khai thác văn hóa truyền thống liệu có phải là một công thức tạo hit mới? - Ảnh 1.

Làn sóng Kpop lan rộng ra thế giới, đó là điều không ai có thể phủ nhận được.

Câu hỏi đặt ra: loay hoay giữa muôn vàn trào lưu quốc tế, liệu làng nhạc Việt, nghệ sĩ Việt thế hệ hiện tại có tạo nên được bản sắc của riêng mình? Việc giữ bản sắc Việt trong chính sản phẩm âm nhạc Việt nghe thì vĩ mô, nhưng kì thực lại vô cùng quan trọng. Tiếp thu nước bạn là một điều tốt, nhưng mãi tiếp thu rồi cũng đến một ngày ta tự hỏi: đâu mới là bản sắc của chính mình, hay tất cả những gì chúng ta đã và đang làm thực chất chỉ là xào nấu những concept, tạo hình đã có sẵn, tổng hợp lại để “sáng tạo” nên sản phẩm của riêng mình?

Câu trả lời cho bài toán không nằm ở đâu xa, mà nằm ở trong chính văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Lời nói trên, nghe thì có vẻ “sáo”, nhưng chính là một trong những đáp án tốt nhất cho câu hỏi trên. Sử dụng bản sắc của dân tộc để đưa vào âm nhạc hiện đại chắc chắn sẽ khó bị lẫn tạp với bất kì nền văn hóa nào khác. Tất nhiên, không phải cứ hát những bài nhạc dân ca, những ca khúc truyền thống, hay cứ phối vào giai điệu của dăm ba loại nhạc cụ cổ truyền,… đã có thể gắn lên mình cái mác “văn hóa truyền thống dân tộc”.

Việc áp dụng các yếu tố cổ truyền của người Việt vào trong sản phẩm cần cả một quá trình thực hiện tỉ mỉ, đòi hỏi chính người thực hiện phải có cái tâm, cái tầm. Có cái tâm để có thể khai thác một cách đúng đắn, thu hút, và phải có đủ tầm để khiến nó không bị cũ kĩ, giáo điều, nhàm chán. Cân bằng giữa những yếu tố trên chắc chắn không phải là điều dễ dàng, nhưng đã có không ít nghệ sĩ đã làm được và họ đã thành công. Có thể kể đến 3 trường hợp của Chi Pu, Hoàng Thùy Linh và Bích Phương, ba nữ nghệ sĩ có lượng khán giả đông đảo của làng nhạc Việt.

Nhìn vào âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Chi Pu...: Khai thác văn hóa truyền thống liệu có phải là một công thức tạo hit mới? - Ảnh 2.

Chi Pu, Hoàng Thùy Linh và Bích Phương: 3 trường hợp đã dám chấp nhận mạo hiểm và đã thành công

Trường hợp thành công nhất ở đây chắc chắn phải kể đến Hoàng Thùy Linh, có thể xem cô là một trong những nghệ sĩ đã đưa văn hóa Việt Nam vào các sản phẩm âm nhạc của mình một cách thành công và tạo hiệu ứng lan truyền rộng rãi nhất. Trước đó, Hoàng Thùy Linh đã từng loay hoay với hình tượng một cô nàng quyến rũ, gợi cảm, mang hơi hướng của một “Britney Spears” nhưng không thực sự thành công và nổi bật. “Bánh Trôi Nước” xuất hiện, đưa hình tượng Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương vào âm nhạc đương đại, chỉ với vỏn vẹn 4 câu hát, nhưng đã tạo thành một hiện tượng không hề nhỏ. Từ năm 2019 nhìn lại, ắt hẳn vẫn còn nhiều sai sót, nhưng ở thời điểm ấy, đó là cả một sự nỗ lực và liều lĩnh khi dấn thân vào một đề tài mạo hiểm đến vậy. Đến tận thời điểm hiện tại, những giai điệu “Bánh Trôi Nước” vẫn không hề cũ, vẫn được yêu thích và vang lên đều đặn.

Nhìn vào âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Chi Pu...: Khai thác văn hóa truyền thống liệu có phải là một công thức tạo hit mới? - Ảnh 3.

Sau “Bánh Trôi Nước”, Hoàng Thùy Linh tiếp tục phát hành một số ca khúc EDM, bất chấp việc đầu tư nghiêm túc và bài bản, những ca khúc trên không mấy gây tiếng vang cho nữ ca sĩ. Cho đến khi “Để Mị Nói Cho Mà Nghe” ra đời ngay trước mùa thi THPT Quốc gia, lại tiếp tục tạo nên một cơn sốt. Vẫn là văn hóa Việt Nam, nhưng lần này Hoàng Thùy Linh mang khán giả lên những rẻo cao vùng Tây Bắc, đến nhà thống lý Pá Tra để gặp cô Mị trong nếp nhà của đồng bào Mông.

Không dừng lại ở đó, Hoàng Thùy Linh đã mở ra cả một “Ngữ Văn party”, mời đến đông đảo các nhân vật bước ra từ các tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam, ở đó, cô đã biến cải số phận hẩm hiu của họ, mang đến một kết thúc lạc quan và đầy tươi sáng hơn. Không ai lên án nữ ca sĩ “báng bổ” văn học hay xúc phạm các thi sĩ, văn nhân tiền bối cả, trái lại, sản phẩm được ủng hộ nhiệt liệt vì cách lồng ghép tinh tế, mang tính trào lộng nhưng không hề khiến chúng ta cảm thấy khó chịu.

Nhìn vào âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Chi Pu...: Khai thác văn hóa truyền thống liệu có phải là một công thức tạo hit mới? - Ảnh 4.

Và cuối cùng, gần đây nhất là một “Tứ Phủ” đột phá, mang tín ngưỡng thờ Mẫu vào trong MV một cách trực tiếp thông qua tạo hình, vũ đạo và nội dung bài hát. Trong “Tứ Phủ”, Hoàng Thùy Linh sử dụng một dạng thức trang phục với màu trắng chiếm chủ đạo: một chiếc khăn vành dây với tấm khăn trùm bên ngoài, trang phục cùng một dải lụa, tất cả đều có màu trắng, thậm chí đến cả hoa tai của nữ ca sĩ cũng sử dụng tông trắng. Đó là hình tượng của một vị Thánh thuộc về miền Thoải Phủ – tức miền sông nước.

Chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt “Tứ Phủ”, Hoàng Thùy Linh cho biết hình tượng trong MV mà cô hóa thân chính là “Cô Bơ”, một vị Thánh rất nổi tiếng thuộc hàng Tứ Phủ Thánh Cô, tuy nhiên, nữ ca sĩ khẳng định chỉ mượn một vài nét chấm phá những nét đẹp nhất của hình tượng trên, còn những điểm sai khác sẽ nằm ở sự tưởng tượng và suy nghĩ của chính khán giả.

Nhìn vào âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Chi Pu...: Khai thác văn hóa truyền thống liệu có phải là một công thức tạo hit mới? - Ảnh 5.

Kế đến, chúng ta không quên Chi Pu với “Anh Ơi Ở Lại”, ca khúc tạm thời có thể xem là thành công nhất từ trước đến nay của nữ ca sĩ, nếu dựa theo sự đón nhận trên YouTube. Nếu như “Từ Hôm Nay”, “Talk To Me”, “Mời Anh Vào Team Em”,… đều được quảng bá bằng những thị phi, chiêu trò và ồn ào, thì ngược lại, “Anh Ơi Ở Lại” không hề gây bất kì điều tiếng xấu nào, bình thản đến khó tin nếu so với những lần comeback trước đó của Chi Pu. Khán giả nhìn vào chỉ thấy một Chi Pu hoàn toàn khác, nghiêm túc với nghề, cố gắng cải thiện giọng hát. Có vẻ như tất cả những cuộc dạo chơi bồng bột của tuổi trẻ, của những thử nghiệm có phần “điên rồ” ấy của Chi Pu đã đến lúc dừng lại. “Anh Ơi Ở Lại”, một sản phẩm nghiêm túc, được đầu tư chỉn chu về phần nhìn, và giọng hát được đặt vào sáng tác một cách vô cùng vừa vặn.

MV được thực hiện những cảnh quay chủ yếu tại khu Lam Kinh, một vùng đất mang tính lịch sử của dân tộc ta. Cụ thể, vùng đất Lam Kinh là nơi phát tích của triều đại Lê sơ, là nơi nhà Lê sơ xem là chốn tổ và là nơi đặt “kinh đô” thứ hai, sau Thăng Long. Bên cạnh đó là loạt cảnh non nước hữu tình tại Tràng An, Ninh Bình. Tất cả đã tạo nên cho MV một không khí cổ trang thực thụ và gia tăng phong vị cho chính sản phẩm âm nhạc lần này của Chi Pu.

Nhìn vào âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Chi Pu...: Khai thác văn hóa truyền thống liệu có phải là một công thức tạo hit mới? - Ảnh 6.

Thứ hai, khâu trang phục của “Anh Ơi Ở Lại” có thể xem là một bước tiến và đột phá lớn về mặt tạo hình. Nếu như từ trước đến nay, các tạo hình cổ trang trong các sản phẩm MV của ca sĩ Việt Nam, chúng ta đều thấy những ảnh hưởng của trang phục Trung Hoa rất rõ rệt, làm mất đi tính dân tộc. Kể cả một e-kíp làm đẹp, đầu tư công phu, nhưng đa phần nếu không mang ảnh hưởng từ Trung Hoa thì cũng chỉ mang hơi hướng fantasy, tưởng tượng. Điều này dần dà khiến cho tuyệt đại đa số bộ phận khán giả có một cái nhìn chưa đúng đắn về trang phục của ông cha ta, để rồi chỉ bó buộc trong áo dài khăn đóng, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, yếm đào,… mà không hề biết tổ tiên chúng ta đã có một hệ thống trang phục vô cùng phong phú, với những quy định, lễ nghi, màu sắc chặt chẽ, không hề thua kém những quốc gia láng giềng.

Nhìn vào âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Chi Pu...: Khai thác văn hóa truyền thống liệu có phải là một công thức tạo hit mới? - Ảnh 7.

Và cuối cùng, Bích Phương cũng từng mang đến khán giả một dự án với cái tên đáng yêu: “Việt Nam, Việt Nam” với những sản phẩm âm nhạc phản ánh đúng tên gọi ấy. Khởi đầu với “Gửi Anh Xa Nhớ”, có lẽ chưa bao giờ phố cổ Hội An lại được đưa vào MV nên thơ đến vậy – trong những khung hình gợi cho giới mộ điệu đến bộ phim “Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng” của Trần Anh Hùng, của những con hẻm nhỏ hẹp, những đường phố nắng nhuộm vàng ươm với những ngôi nhà cổ. Rồi đến “Nói Thương Nhau Thì Đừng Làm Trái Tim Em Đau”, một đám cưới miền Tây Bắc với đủ đầy các nghi lễ thú vị đã diễn ra, những chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ, những cặp mông núng nính, những nụ cười của đồng bào dân tộc, những di sản văn hóa thú vị nơi vùng cao được gói ghém trong một MV độc đáo.

Nhìn vào âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Chi Pu...: Khai thác văn hóa truyền thống liệu có phải là một công thức tạo hit mới? - Ảnh 8.
Nhìn vào âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Chi Pu...: Khai thác văn hóa truyền thống liệu có phải là một công thức tạo hit mới? - Ảnh 9.

“Bùa Yêu” là một sáng tác của 3 nhà sản xuất âm nhạc bao gồm Tiên Cookie, Phạm Thanh Hà, DươngK thuộc thể loại Pop. Không chỉ sở hữu giai điệu bắt tai, “Bùa Yêu” còn gây ấn tượng với ca từ mới mẻ cùng cách luyến láy đặc biệt, kĩ thuật nhả chữ hợp với xu hướng âm nhạc quốc tế của Bích Phương. Bên cạnh việc kết hợp các âm thanh từ nhạc cụ dân tộc, “Bùa Yêu” còn được Bích Phương lồng ghép các nét văn hoá của người Việt Nam một cách vô cùng khéo léo, từ trang phục cho tới hoạt động thường ngày.

Trong MV, Bích Phương xuất hiện với tạo hình ma mị, quyến rũ khác hẳn hình ảnh nữ tính, trong sáng vốn quen thuộc với khán giả từ trước tới nay. Nội dung MV xoay quanh chuyện tình của một cô gái Việt Nam (do Bích Phương vào vai) và anh chàng ngoại quốc phải lòng nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên là nam người mẫu điển trai Nhikolai Đinh. Những hình ảnh dân gian quen thuộc được đưa vào MV một cách đầy đẹp đẽ, không còn vẻ thô sơ, mộc mạc: trò chơi ô ăn quan, trầu têm cánh phượng, những khung thêu đủ màu sắc, tà áo dài cách tân và một thoáng văn hóa hầu đồng của người Việt.

Nhìn vào âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Chi Pu...: Khai thác văn hóa truyền thống liệu có phải là một công thức tạo hit mới? - Ảnh 10.

Cả ba nghệ sĩ trên đều đã chọn những chủ đề rất khó, mà nếu xem qua, không ít người sẽ cảm thấy khô khan, quá học thuật và không mang tính giải trí, những sự lựa chọn đúng nghĩa “Được ăn cả – ngã về không”. Họ đã dám “liều”, dám mạo hiểm, kết hợp với một chút may mắn cũng như lựa chọn thời điểm ra mắt phù hợp, kết quả ra sao chắc ai cũng rõ.

Hoàng Thùy Linh mang về top 1 trending YouTube đầu tiên trong sự nghiệp với “Để Mị Nói Cho Mà Nghe”, “Tứ Phủ” cũng vươn đến top 2 trending YouTube, đem về hàng triệu lượt xem cũng như vị trí top 1 iTunes Việt Nam. “Bùa Yêu” đối đầu trực tiếp với “Chạy Ngay Đi” theo thế “kẻ tám lạng, người nửa cân” và đã từng đẩy MV của Sơn Tùng M-TP xuống để vươn lên vị trí dẫn đầu tab thịnh hành YouTube Việt Nam. “Anh Ơi Ở Lại” cũng nhanh chóng chạm top 1 trending, trở thành MV được xem nhiều nhất của Chi Pu tính đến thời điểm hiện tại.

Làm sao cho chuẩn và thu hút?

Chúng ta có thể thấy, Bích Phương, Hoàng Thùy Linh hay Chi Pu, cả ba đều có ý thức về việc sử dụng chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam một cách có chủ ý. Không hề “sến sẩm”, không hề “quê mùa”, chất liệu văn hóa của dân tộc được ba nữ nghệ sĩ trẻ khai thác một cách thành công, rất hiện đại và rất văn minh. Giới trẻ 9x, thậm chí 10x, hoàn toàn có thể tự tin hát theo, nhảy theo những giai điệu trên mà chẳng phải sợ bất kì ai chê mình “già nua”, “cũ kĩ” cả, thậm chí hoàn toàn tự hào – đó là những giai điệu “trending”, “thời thượng”.

Hoàng Thùy Linh không thành công bằng việc đem toàn bộ nghi thức hầu đồng lên MV, cũng không cần phải đưa khán giả đến những cảnh quan hùng vĩ của miền Tây Bắc tổ quốc, hay ngồi bình giảng văn học sâu xa từng chữ trong bài thơ của nữ sĩ họ Hồ. Cô mang đến một sản phẩm “ảo diệu”, hiện đại, với phần hình ảnh mĩ mãn, trau chuốt, giao thoa giữa truyền thống với hơi thở đương đại. Âm nhạc cũng không cần phải tranh, sáo, bầu, mà mạnh dạn sử dụng nhạc điện tử, future house, trap,… kết hợp vừa đủ với nhạc cụ cổ truyền.

Hình tượng trong “Tứ Phủ” có thể đúng, hoặc với nhiều người đó vẫn là sai sót, nhưng chắc chắn sau “Tứ Phủ”, một lượng lớn khán giả trẻ sẽ tìm tòi, chủ động khám phá về tín ngưỡng thờ Mẫu, một hệ thống tâm linh hoàn toàn thuần Việt, không bị lẫn tạp với bất kì dân tộc nào khác. Khán giả sẽ thêm yêu hơn hình ảnh Cô Mị và loạt nhân vật đã được học trong các tác phẩm văn học được tiếp xúc ở trường phổ thông. Và chắc chắn, không ít khán giả sẽ tự tìm hiểu thêm về những vần thơ “đố tục giản thanh” của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, những vần thơ đậm chất nữ quyền trong một xã hội phong kiến kìm kẹp ngày trước.

Bích Phương không thành công bằng việc làm một clip du lịch Hội An “đẹp đến nao lòng” hay một clip hướng dẫn têm trầu, chơi ô ăn quan, thêu thùa,… Cô mang những cảnh quay Hội An vào một câu chuyện yêu xa, với giai điệu pop ballad khó cưỡng lại do Tiên Cookie sáng tác, với từng khung hình đậm chất điện ảnh, với sự chỉn chu cho đến từng đạo cụ nhỏ được đưa vào trong cảnh quay. Cô lồng ghép những cánh trầu têm cánh phượng, trò ô ăn quan vào một khung cảnh huyền ảo, một concept thời trang thực sự được sắp đặt hoàn toàn có chủ ý của stylist và chỉ đạo nghệ thuật để tạo nên hiệu ứng về màu sắc ấn tượng, bắt mắt khán giả.

Và rồi, sau loạt sản phẩm của Bích Phương, ai có thể không yêu được phố cổ Hội An hay những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ nơi miền Tây Bắc, ao ước một lần được đặt chân đến đó? Ai lại không bất ngờ nhìn lại những trò chơi dân gian thời thơ ấu với một cái nhìn đẹp đẽ và trân trọng hơn sau “Bùa Yêu”?

Chi Pu cũng sẽ khó thành công nếu chỉ là một câu chuyện Tấm Cám mà ai cũng nằm lòng. Với nội dung là cốt truyện cổ tích Tấm Cám cực kì quen thuộc, nhưng lần này lại là câu chuyện cổ tích quen thuộc dưới góc nhìn của nàng Cám. Để rồi khi MV kết thúc, khán giả chợt ngẩn ngơ: vì sao Tấm và Cám đều cùng gặp Hoàng đế ngày đầu tiên, để rồi cuối cùng Cám cũng chính là người đau khổ và dằn vặt. Bấy lâu nay, liệu chúng ta có đang quá khắt khe với nàng Cám, quá thương cảm nàng Tấm? Bằng cách lật lại câu chuyện cổ tích quen thuộc của biết bao thế hệ, Chi Pu đã mang đến một MV với nhiều thông điệp và suy nghĩ cho chính khán giả, tinh tế, khéo léo và đầy rung động.

Đề tài cả ba chọn đều khác nhau, cách thức truyền tải về chi tiết cũng không giống nhau, nhưng về cơ bản, họ đã dùng tư duy và thẩm mĩ hiện đại kết hợp một cách chuẩn mực với những giá trị văn hóa truyền thống. Sự kết hợp cổ – kim ấy được thực hiện một cách cẩn thận để hai giá trị Đông – Tây không xung đột nhau, dung hòa giữa cái mới với cái cũ, cách tân cái cũ trong giới hạn cho phép và ngược lại, khoác chiếc áo cổ xưa lên những giá trị hiện đại sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng.

Tạm kết

Những cách làm của Bích Phương, Chi Pu lẫn Hoàng Thùy Linh chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc: nghệ sĩ Việt nếu biết tận dụng những giá trị văn hóa cổ truyền với một tư duy đúng đắn, thì khả năng thành công sẽ rất cao. Có thể Bích Phương, Chi Pu lẫn Hoàng Thùy Linh, trong quá trình thực hiện vẫn vấp phải không ít sai lầm, nhưng họ đã dám thử, đã đặt những bước chân đầu tiên tìm về “kho báu” mà cha ông để lại, và đó là những việc làm đáng để trân trọng. Nếu không có những bước đi đầu tiên, chắc chắn sẽ không có những bước tiến dài hơn được.

Văn hóa là luôn biến đổi, luôn chuyển động, không thể dừng lại và trì trệ. Văn hóa cổ truyền cũng thế, ta không thể mãi đem những giá trị văn hóa cổ truyền ấy đặt lên cao, cất giữ kín kẽ, ngày ngày sùng bái đến mức sợ sệt và cứ chôn giấu mãi những giá trị ấy trên một chiếc hộp đẹp đẽ, không để hậu thế tiếp xúc. Văn hóa cổ truyền có được kế thừa và gìn giữ hay không nằm ở cách thức chúng ta quảng bá với thế hệ sau, chứ không phải nhắc về những giá trị ấy như một vị thánh thần xa vời ở một cõi xa xăm nào đấy.

Theo Helino