Hà Nội nguồn cảm hứng vô tận…

0
3638

Hãy tạm lấy cái mốc từ 1957 – năm Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập – thì đến nay, các nhà thơ người gốc Hà Nội (và từ các tỉnh, vùng miền hội tụ về Hà Nội từ ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954), đã có trên 60 năm gắn bó với Hà Nội và làm thơ về Hà Nội. Khoảng thời gian ấy chỉ là một chớp mắt so với lịch sử, nhưng với một nền văn học, dẫu sao đó cũng là một chặng đường để những người sáng tạo nghệ thuật có thể nhìn lại mình một cách công tâm, bình tĩnh và khách quan để hướng tới tương lai – trong những sáng tác của mình về Hà Nội, trong lĩnh vực thơ ca…

Hà Nội nguồn cảm hứng vô tận…Nhà thờ lớn Hà Nội.
 Vẫy gọi tình yêu…
Có thể, với lớp các nhà thơ trẻ hôm nay, ấn tượng của họ về Thủ đô Hà Nội mang một màu sắc hiện đại, mới mẻ hơn trong cơ chế bùng nổ của kinh tế thị trường ồn ào, xô bồ đến chóng mặt, mà không khéo, có lúc, mình không còn là mình nữa. Nhưng với thế hệ những người trên dưới 60, 70 tuổi – nếu là những người yêu quý mến mộ thơ ca – thì không khí sau hòa bình lập lại đã thực sự hấp dẫn, cuốn hút, vẫy gọi với tất cả tình yêu và niềm say mê cuộc sống biết bao nhiêu, trong một giai đoạn Hà Nội tràn đầy ánh sáng mới của hòa bình trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vì thế, có thể nói dù khó tính và khắt khe đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng – suốt trên nửa thế kỷ qua – mảng thơ ca viết về Hà Nội đã đóng một dấu son, làm thành một cột mốc lớn trên cả chặng đường sáng tạo của thơ ca hiện đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, với hàng trăm tác giả, đã viết nên nhiều bài thơ thành công về quê hương, đất nước… trong đó có Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến…

Đó là niềm hứng khởi mới của các nhà thơ “tiền chiến” sáng tác từ trước cách mạng, đã thực sự lột xác sau cách mạng tháng Tám năm 1945, và nhất là qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp gian lao, anh dũng của cả dân tộc Việt Nam… Đó là niềm say mê trong một thực tiễn hào hùng nhưng cũng rất lãng mạn của núi rừng Việt Bắc, đã tạo nên một thế hệ các nhà thơ trưởng thành ngay trong kháng chiến chống Pháp… Và cuối cùng là lớp nhà thơ có thể nói là trẻ nhất ngày đó – họ chỉ mới trên dưới 20 tuổi – đang say sưa lao động, làm việc trên công trường, nhà máy, ruộng đồng… trên mọi nẻo đường đất nước, để hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc – trong đó có Thủ đô Hà Nội với vẻ đẹp cuốn hút của một gương mặt đô thị mới thay da đổi thịt. Cũng chính từ thế hệ này, đã tạo nên một nhịp cầu mới trong việc hình thành lớp nhà thơ chống Mỹ – từ những năm 60 của thế kỷ XX cho đến ngày 30/4/1975 – và giai đoạn sau là từ những năm 80, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới cho đến hôm nay – những gương mặt thơ ca đương đại của hai mươi năm đầu thế kỷ XXI…
Hà Nội nguồn cảm hứng vô tận…
Chùa Trấn Quốc.
Cảm xúc hôm nay mờ nhạt?
Nhưng, quá khứ bao giờ cũng ở phía sau lưng, cho dù đó là một quá khứ huy hoàng và chói lọi, mà không khéo, cái gánh nặng quá khứ nhiều khi làm cho mình khó cất nổi bước chân hơn để đi lên phía trước.

Hình như, tình yêu và niềm say mê của bạn đọc Hà Nội cũng như cả nước để tìm đến thơ ca Hà Nội, đã có vẻ chững lại, giảm sút, không còn hấp dẫn người Hà Nội, nhất là lớp trẻ Hà Nội hôm nay nữa. Bởi, hình như sự thiếu vắng bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu nhân vật của một nghìn năm lịch sử, cận đại đến những cảm xúc mới thời hiện đại mà thơ ca Hà Nội đã không khắc họa, không đề cập tới một cách chân thực, phong phú với nhiều cảm xúc làm lay động, cuốn hút lòng người…

Kinh thành Thăng Long trải qua Lý, Trần, Lê… với nhiều con người lịch sử, với nhiều chiến tích lịch sử, với chiều sâu của lịch sử… là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các thi nhân. Địa danh nào của Lý Công Uẩn, của Lý Thường Kiệt, của Lý Đạo Thành đã trải qua với những số phận cá nhân dằn vặt và giằng xé. Địa danh nào Nguyễn Trãi tìm đường cứu nước, trở về giải phóng Thăng Long và Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Quy – Rùa Vàng đầy huyền thoại cũng như tình yêu của Nguyễn Trãi và Thị Lộ thăng hoa, bừng nở. Địa danh nào Nguyễn Huệ đã cùng Ngọc Hân công chúa, đón xuân giải phóng Thăng Long giữa mùa hoa đào? Rồi những địa danh nào của Thăng Long mà các bậc nho sĩ hiền tài như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Lê Văn Hưu, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát… và bao nhiêu tao nhân mặc khách đã để lại những giai thoại và tác phẩm nghệ thuật sống mãi đến hôm nay. Rồi kinh thành Thăng Long khi thực dân Pháp xâm lược, với sông Hồng trải qua bao thăng trầm lịch sử. Thực dân Pháp bắn vào thành Cửa Bắc, rồi vụ án Hà Thành đầu độc, rồi Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, rồi Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ô Quan Chưởng, rồi Đồn Thủy, rồi pháo đài Láng, rồi cầu Long Biên với cuộc rút quân lịch sử mùa đông 1946, để rồi 8 năm sau, chúng ta trở về giải phóng Thủ đô… Tất cả, tất cả bao nhiêu sự kiện và nhân vật đầy tính chất bi và hùng, lãng mạn và trữ tình, cao đẹp của giai đoạn lịch sử ấy hình như chưa được khắc họa một cách đậm nét và đầy sức sống để tạo nên những dấu ấn của nghệ thuật thơ ca – từ một bài thơ ngắn, cho đến những trường ca có tính khái quát về một giai đoạn nào đó. Trái lại, hình như thơ ca hôm nay chỉ có những cảm xúc mờ nhạt, chung chung, thậm chí là hời hợt, nên không thực sự tạo được những dấu ấn tìm tòi mới, độc đáo in đậm dấu ấn của riêng Hà Nội. Hình như đã đến lúc chúng ta phải tự nhìn lại những sáng tạo của mình về Hà Nội, một cách nghiêm khắc hơn, để cùng nhau hướng tới những trang viết mới cho độc giả, nhất là thế hệ trẻ hiện đại, trong một thế giới mở đa chiều đa dạng, phong phú, và không ít những phức tạp của nó… Tất nhiên, đó là một công việc sáng tạo nặng nề, khó khăn, lâu dài và cũng đầy khó khăn, thách thức!

Hà Nội nguồn cảm hứng vô tận…
Hà Nội mùa thu. Ảnh: Gugu.
Cần thi hứng cất cánh
Trở lên trên, chúng tôi đã nói đến chiều sâu của lịch sử Hà Nội, mà chính từ đó, đã tạo nên những nhân vật lớn của Hà Nội suốt cả ngàn năm qua… Tuy nhiên, Hà Nội không chỉ có lịch sử và con người, mà tạo hóa còn ban tặng cho đất Thăng Long rồng bay – trung tâm của đồng bằng Bắc bộ, nền văn hóa châu thổ sông Hồng – cả thiên nhiên, đất trời, hồ ao, cỏ cây, hoa lá… rất độc đáo của riêng Hà Nội, đã làm nên cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ thi sĩ suốt trong nhiều thập kỷ qua. Bởi, vẻ đẹp của thiên nhiên bất tử, bao giờ cũng làm rung động tâm hồn và trái tim của tất cả mọi con người…

Đó là mỗi độ mùa xuân đã về trên mọi miền đất nước, từ năm cửa ô, từ các cửa ngõ đi vào Hà Nội; ta đã nghe nhịp chuyển mình của dòng nhựa non trong lòng đất, trong từng gốc cây, nhành lá, trong nhịp sinh sôi của đất trời, vũ trụ. Hoa Ngọc Hà đã muôn màu khoe sắc. Quất Nghi Tàm đang cuốn vòm trĩu quả vàng da cam óng ả. Đào Nhật Tân, Quảng Bá đón gió xuân qua những cánh đồng ngoại thành, qua đê sông Hồng đỏ thắm phù sa khoe sắc thắm của hồng đào và khép nép lặng lẽ sắc  nhạt trắng đào phai, cho lời ca tiếng hát em bay xa không bao giờ dừng. Trong muôn sắc hoa đón nàng xuân của nam nữ thanh niên Hà Thành thanh lịch, ta nghe ríu rít tiếng đàn đàn chim én bay về từng đôi trên mặt gương Tây Hồ gợn sóng. Ta nghe mùi mạ non từ các cánh đồng ngoại thành theo gió mới của vụ lúa giêng xuân vừa gieo cấy. Ta cứ ngỡ như xòe bàn tay là bắt được gió, là bắt được nắng, là hái được cả một đám mây trắng mỏng lững lờ tít tắp giữa trời cao… Đó phải chăng là giây phút của nhịp chuyển mùa xuân đang lan tỏa trong tâm hồn mỗi người dân Hà Nội, trong tâm hồn của mỗi nhà thơ – từ các vùng quê trên mọi miền Tổ quốc – cùng tụ hội về một Thủ đô mới – Thành phố anh hùng, Thành phố Hòa bình, Thành phố xanh, sạch, đẹp – một biểu tượng ngời sáng của Tổ quốc Việt Nam ngàn đời yêu dấu!
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội và các cơ quan quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật… đã có một cách nhìn mới mẻ hơn về đặc thù sáng tạo của các nhà thơ trong việc  tạo điều kiện để họ hoàn thành và ra đời một tác phẩm, cả công sức, cả tiền bạc, theo đúng nghĩa đen của từ này. Việc đầu tư, đặt hàng cho các nhà thơ, các tác giả… để có những tác phẩm mới về Hà Nội một cách thành công và xuất sắc hơn, đã được nhìn nhận. Bởi, nghĩ cho cùng, thơ ca về Hà Nội là một nét đẹp văn hóa, không thể thiếu được trong cuộc sống hiện đại của người dân Thăng Long ngàn năm văn hiến, cũng như bạn đọc trên cả nước!
Theo NSND Lê Huy Quang/ Người Hà Nội